Gần đây, nhiều diễn đàn và mạng xã hội
đăng tải Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 do 72 nhân sỹ trí
thức khởi xướng, được gọi tắt là Kiến nghị 72.
Những người ủng hộ chỉ cần gửi tên tới một địa chỉ email.
Theo trang boxitvn, một trong những trang đầu
tiên đăng tải Kiến nghị này, đã có gần 9.000 chữ ký ủng hộ
kiến nghị của các nhân sỹ trí thức, trong đó có các điểm như
đề xuất bỏ Điều 4 về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản cũng
như sửa đổi chế độ sở hữu đất đai.
Trong số các chữ ký được nói thu thập trong đợt 23, có khá nhiều người ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Kiến nghị 72 cũng đã được chuyển tới Quốc hội Việt Nam vào đầu tháng trước.
Tuy nhiên bài viết đăng trên Đại Đoàn Kết
ngày thứ Bảy 9/3, ký tên Nhóm phóng viên Thời sự- Chính trị, cáo
buộc đây là "Sự ngụy tạo có chủ đích".
Tờ báo này nói khi nhóm phóng viên của
báo đi tìm hiểu thì "ngoài một số người có chức danh và địa chỉ cụ
thể, thì hầu hết là tên không có địa chỉ. Tìm hiểu của Đại Đoàn Kết tại
Hà Tĩnh cho thấy, đa phần những cái tên này là không có thực và bị giả
mạo".
Bài viết của Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi:
"Tại sao lại có nhiều bà con nông dân Hà Tĩnh ký tên trên mạng như vậy,
trong khi nhiều người còn mơ hồ về internet".
"Người nông dân quanh năm vất vả lo làm ăn, họ
lấy đâu ra thời gian mà lướt web, để ký tên kiến nghị những điều mà bản
thân họ không hiểu?"
Cuộc điều tra "bỏ túi" của phóng viên Đại
Đoàn Kết dẫn nguồn cán bộ tuyên giáo tỉnh cho hay tỷ lệ người
dân nông thôn sử dụng internet chỉ chiếm 20-30% trên toàn địa bàn tỉnh
Hà Tĩnh.
Theo các phóng viên này, đa số người dân
hoặc "quanh năm chân lấm tay bùn, chẳng có điều kiện chi trả phí
internet, và nếu có, họ cũng chẳng bao giờ vào mạng vì kiến thức về công
nghệ thông tin hạn hẹp", hoặc "có những người thông thạo về internet,
thì lại có hiểu biết rất hạn chế về Hiến pháp và pháp luật".
Đại Đoàn Kết cũng nói đã thu thập tư liệu từ cơ quan an ninh cho cuộc điều tra nói trên.
Báo này khẳng định: "Ngoài một số nhân sỹ,
trí thức có tên, tuổi, chức danh, địa chỉ cụ thể, đa số tên người dân ký
tên trên bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện đang phát tán trên
một số trang mạng là giả mạo".
Nhóm phóng viên của tờ báo nói việc này là "động cơ chính trị không trong sáng của một số người có tư tưởng đối lập".
Đại Đoàn Kết là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan ngoại vi của Đảng Cộng sản VN.
Mới đây, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú
Trọng đã lên tiếng cảnh báo về điều mà ông gọi là "suy thoái"
đạo đức, xã hội khi có tiếng nói kêu gọi đa đảng, tam quyền
phân lập... trong quá trình sửa đổi Hiến pháp.
Phát ngôn của ông Trọng đã bị một số
người chỉ trích là hành động "bịt miệng" nỗ lực đóng góp cho
bản Hiến pháp mới.
(theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét