Kể từ khi chính quyền Việt Nam kêu gọi nhân dân góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày càng có nhiều người tham gia ký tên các kiến nghị, các tuyên bố, hoặc đăng trên mạng các bài viết đòi hỏi dân chủ hóa đời sống chính trị. Trước tình hình này, chính quyền đang tìm đủ mọi cách để kiểm soát việc góp ý Hiến pháp.
Tính cho đến nay đã có hơn 9 ngàn người ký tên vào bản kiến nghị do 72
nhân sĩ trí thức tên tuổi khởi xướng, còn được gọi là kiến nghị 72. Kiến
nghị này yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của đảng,
đòi tam quyền phân lập, quyền tư hữu đất đai, phi chính trị hóa quân
đội, đòi đưa dự thảo Hiến pháp ra trưng cầu dân ý.
Trước tình hình đó, một trong những biện pháp đối phó của chính quyền
Việt Nam đó là hạ thấp giá trị của bản kiến nghị 72. Báo chí chính thức,
cụ thể là tờ Đại Đoàn Kết, số ra ngày 07/03 và đài truyền hình VTV1
trong chương trình phát ngày 10/3 đã khẳng định là đa số những chữ ký
ủng hộ kiến nghị 72 là những chữ ký « mạo danh ». Tờ Đại Đoàn Kết khẳng
định là việc ngụy tạo này là do « động cơ chính trị không trong sáng của
một số người có tư tưởng đối lập ».
Nhóm nhân sĩ trí thức khởi xướng kiến nghị 72 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013. |
Sau khi bài báo trên tờ Đại Đoàn Kết được đăng tải, trang Bauxite Việt
Nam, nơi khởi xướng bản kiến nghị 72, đã ngay lập tức phản bác lời cáo
buộc về giả mạo chữ ký. Trang Bauxite Việt Nam tố cáo chính quyền đang
truy tìm danh tích những người soạn thảo kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến
pháp 2013 của các nhân sĩ trí thức, để đàn áp theo lối xé nhỏ phong
trào, đồng thời dọa dẫm, đàn áp những người tham gia ký kiến nghị.
Cũng để nhằm kiểm soát việc góp ý Hiến pháp, biện pháp thứ hai hiện đang
được thực hiện ở Sài Gòn đó là vận động người dân điền vào «Phiếu lấy ý
kiến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992». Trên phiếu này, người dân chỉ có thể, hoặc là trả lời «đồng ý
với toàn văn bản dự thảo Hiến pháp», hoặc «đồng ý với những nội dung
khác trong dự thảo», kèm theo ý kiến góp ý, đề nghị sửa đổi, bổ sung
những Chương, Điều hoặc từ ngữ cụ thể.
Được yêu cầu đóng góp ý kiến theo kiểu đích danh như vậy dĩ nhiên là đa
số người dân sẽ trả lời «đồng ý» để được yên thân, chứ chắc là sẽ
chẳng có mấy ai dám nói ra những điều mình nghĩ.
Báo chí chính thức trong những ngày qua cũng liên tục đăng những bài báo
phản bác những quan điểm đòi đa nguyên, đa đảng trong việc góp ý Hiến
pháp, thậm chí còn khẳng định «Đảng với dân là thống nhất, phủ nhận
Đảng tức là phủ nhận vai trò của dân».
Trong bài viết mới nhất vừa được đăng trên trang mạng Ba Sàm hôm nay,
ông Nguyễn Trung, một cựu cán bộ đảng viên cao cấp, cho rằng lẽ ra «nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này, Bộ Chính trị nên mời các trí thức có
uy tín hình thành một số diễn đàn khoa học và công khai cho những vấn
đề hệ trọng của đất nước để tạo sự đồng thuận tốt nhất có thể trong Hiến
pháp mới. Đồng thời phát huy dân chủ để nhân dân tự triển khai những
diễn đàn như thế ở mọi nơi».
Theo ông Nguyễn Trung, «mọi cách làm trong việc sửa đổi Hiến pháp nếu
chỉ nhằm quy kết hoặc khép tội những ý kiến khác cho thấy Bộ Chính trị
trong thâm tâm vẫn kiên quyết giữ nguyên hệ thống chính trị và bộ máy
nhà nước như hiện tại. Làm như thế, hiển nhiên sẽ chỉ tiếp tục xô đẩy
đất nước đi sâu thêm vào con đường của thảm họa».
Thanh Phương (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét